Đặt vấn đề
Phát triển kinh tế và đô thị hóa là hai mặt của một vấn đề. Quá trình đô thị hóa là một quá trình mở rộng đô thị trên cơ sở tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo là đất đai, rừng, sông… tác động mạnh tới sự cân bằng của hệ sinh thái đã tồn tại từ nhiều năm trước. Nếu như cái giá của sự phát triển là những tác động tổn hại tới môi trường sống của con người và muôn loài thì sự phát triển đó có ý nghĩa không? – Chắc sẽ là không, vì chính những nhà lãnh đạo đất nước cũng thể hiện rõ quan điểm “Không đánh đổi kinh tế lấy môi trường”.
Hình 1 : Sơ đồ thể hiện vai trò của KTCQ trong phát triển kinh tế
Kiến trúc cảnh quan (KTCQ) là một lĩnh vực khoa học và nghệ thuật, liên quan tới nhiều chuyên ngành, trong đó liên quan tới hệ thống các không gian mở, trên đó tồn tại nhiều hệ thống tự nhiên, nhân tạo và văn hóa đan xen với nhau. Do đó, việc lựa chọn một mô hình tổ chức KTCQ hợp lý sẽ góp phần giảm thiểu các mâu thuẫn sinh ra trong quá trình phát triển. Phải tìm ra một con đường phát triển bền vững hơn, trong đó sự phát triển kinh tế sẽ đồng thời là bảo vệ tài nguyên, môi trường – Đó cũng chính là động lực để phát triển kinh tế.
Từ những vấn đề nêu trên, mô hình phát triển KTCQ của Đà Nẵng sẽ nên theo xu hướng nào? Làm sao để hiện thực hóa mô hình phát triển đó trong bối cảnh hiện nay. Để làm rõ được những mục tiêu trên, chúng ta cần nhìn nhận sự phát triển kiến trúc cũng như KTCQ trên quan điểm hệ thống, nghĩa là kiến trúc và KTCQ của Đà Nẵng cần được nhìn nhận như một thành phần của hệ thống phát triển, do đó vấn đề phát triển kiến trúc và KTCQ phải được đặt trong bối cảnh của sự phát triển chung, cũng như trong bối cảnh của lịch sử phát triển từ quá khứ đến hiện tại và tương lai
Kiến trúc cộng sinh (symbiosis) và mối quan hệ với KTCQ
Trong tự nhiên luôn tồn tại các quy luật phát triển phù hợp với mỗi hoàn cảnh nhất định. Trong hệ thống tự nhiên tồn tại các mô hình ký sinh, cộng sinh… mang các đặc tính loại trừ nhau hoặc cùng phát triển (win-win). Điều này cũng đúng với xã hội của chúng ta. Tại những khu vực cảnh quan nghèo nàn, chúng ta có thể lựa chọn mô hình tạo ra những cảnh quan mới, song tại những khu vực cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú… chúng ta nên lựa chọn mô hình phát triển kiểu cộng sinh. Đây có thể sẽ là mô hình phát triển KTCQ phù hợp với thành phố Đà Nẵng
1. Lý thuyết kiến trúc cộng sinh
Quan hệ cộng sinh bao gồm các mối quan hệ mà trong đó một yếu tố, sự vật tồn tại trên một yếu tố, sự vật khác, hoặc nơi mà một yếu tố, sự vật cộng sinh tồn tại bên trong một yếu tố hoặc sự vật khác. Cộng sinh cũng được phân loại theo kiểu gắn kết vật lý của các yếu tố, sự vật; sự cộng sinh mà trong đó các yếu tố/sự vật hợp thành một thể thống nhất gọi là cộng sinh tiếp xúc, và sự cộng sinh mà trong đó chúng không kết hợp thành một cơ thể thống nhất gọi là cộng sinh không gắn kết. Nếu trong sinh học, cộng sinh là một trong những động lực tạo ra sự tiến hóa, thì trong xã hội loài người, sự cộng sinh là một trong những động lực cho sự phát triển.
Một trong những nhà tri thức đã quan tâm đến vấn đề này là Arthur Koestler – người đã đưa ra khái niệm “holon”.
Sự xuất hiện của học thuyết cộng sinh trong kiến trúc được mở đầu bằng sự ra đời của phong trào Chuyển hóa luận (metabolism) ở Nhật Bản những năm 1960. Kurokawa là người đã nắm bắt được bản chất thực của Chuyển hóa luận, ông đã vận dụng các nguyên tắc linh hoạt của tư tưởng Phật giáo, diễn đạt các “vòng đời” của các công trình kiến trúc trong cái chu kỳ vô tận của sự sinh sinh – hóa hóa mà Phật giáo coi là một nguyên lý bất diệt.
Hình 2 . Cảnh quan Sông Hàn (ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)
Kurokawa không chủ trương thuần túy công năng, ông thường suy nghĩ đến những không gian đa nghĩa, không gian hư ảo, và ông cho rằng những vùng này là khâu quá độ cho phép thực hiện những sự cộng sinh. Kurokawa đã phê phán trào lưu hiện đại (mặc dầu không nhận mình là một nhà nghiên cứu Hậu hiện đại). Nếu vận dụng lý thuyết này thì rõ ràng việc chúng ta đang thay thế rừng nguyên sinh bằng rừng trồng…. Đó chính là sự tác động tiêu cực đối với tự nhiên. Chính sự đa dạng sinh học đã làm nên giá trị của khu rừng nguyên sinh, tương tự như vậy, tính đa văn hóa, đa chức năng, đa dạng xã hội, cộng đồng… cũng sẽ là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của một không gian sống như thành phố.
Kurokawa gọi triết lý của mình là “cộng sinh”, có nghĩa là hoà trộn những gì vốn tương phản với nhau như giữa tính địa phương và tính toàn cầu, giữa môi trường tự nhiên và không gian hiện đại. Như vậy, kiến trúc cộng sinh, tức là sự hòa quyện vào nhau của các hệ thống và các thành phần khác nhau, bổ sung và chuyển hóa cho nhau trong vòng đời của mình.
Ngày nay, người ta đã nói nhiều tới các đô thị nông nghiệp, “Thành phố cộng sinh“ (Symbiosis City) như một mô hình thành phố hợp nhất giữa thành thị và nông thôn, vừa có tác dụng tăng khả năng kết nối bền vững giữa con người với thiên nhiên. Những thành phố lọt vào tiêu chí thành phố đáng sống đều đang có một mô hình phát triển không gian cộng sinh như vậy
Nhìn chung, các xu hướng kiến trúc đều là sự phản ánh của các đặc điểm kinh tế, xã hội. Kiến trúc hiện đại bùng nổ và thành công trong giai đoạn công nghiệp hóa, còn hậu hiện đại ra đời và phát triển trên quan điểm không chấp nhận sự vô tình đối với văn hóa và môi trường của kiến trúc hiện đại. Các lý thuyết về chuyển hóa luận (metabolism) và cộng sinh (symbiotic) đã ra đời trong bối cảnh môi trường tự nhiên và xã hội đã phải chịu nhiều tác động không mong muốn. Sự phát triển công nghiệp đã mang lại nhiều của cải vật chất hơn, nhưng lại đang làm nghèo đi những giá trị văn hóa, tinh thần, sự đa dạng sinh học của tự nhiên. Con người đang tìm đến với các mô hình phát triển kiến trúc bền vững hơn, và một trong các mô hình đó là sự ra đời và phát triển của kiến trúc cộng sinh.
2. Kiến trúc cảnh quan cộng sinh (KTCQCS)
KTCQ là một lĩnh vực đa ngành có liên quan tới nhiều chuyên ngành khác nhau như quy hoạch không gian, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, môi trường sinh thái, địa lý, tâm lý môi trường, thiết kế mỹ thuật công nghiệp, nghiên cứu thổ nhưỡng, kiến trúc, mỹ thuật, thực vật học, làm vườn,…
Mục tiêu của KTCQ là tạo ra môi trường không gian vui chơi, giải trí, cải thiện môi trường sống và nâng cao chất lượng thẩm mỹ không gian sống, tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa kiến trúc – con người – thiên nhiên. Tuy nhiên, nếu trước đây chúng ta hiểu “sự hài hòa” là mối quan hệ tổng thể đạt được trong các mối quan hệ về chức năng, thẩm mỹ… thì chưa đủ, mối quan hệ đó phải là mối quan hệ công sinh, hài hòa trong cả các mối quan hệ đối lập, trong các mối quan hệ về sinh thái, môi trường theo quy luật tự nhiên cùng phát triển. Tổ chức KTCQ đô thị không phải là một quá trình tĩnh, nó luôn phát triển và biến đổi theo thời gian, do đó, việc nghiên cứu mô hình tổ chức KTCQ cộng sinh, nghĩa là tạo ra một mô hình KTCQ phát triển, biến đổi theo thời gian, phù hợp với sự biến đổi của môi trường tự nhiên, và cộng sinh với chính môi trường đó.
Hình 3 sơ đồ phát triển KT và KTCQ cộng sinh
KTCQ gồm hai lĩnh vực chuyên sâu là: Quy hoạch cảnh quan, giải quyết các vấn đề tổng thể từ các điểm dân cư nông thôn, đô thị và lớn hơn; thiết kế cảnh quan, giải quyết các vấn đề chi tiết hơn của không gian vây quanh quần thể công trình hoặc công trình kiến trúc. Quan trọng nhất là cả hai đều liên quan mật thiết tới quy hoạch sử dụng đất và sử dụng đất bền vững, do đó KTCQ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức không gian kiến trúc đô thị, đặc biệt là các đô thị có nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh thắng có giá trị cao.
Bất kỳ một nhiệm vụ nào của KTCQ cũng đều liên quan tới mối quan hệ giữa các yếu tố nhân tạo và tự nhiên. Đây là một quan hệ có tính mâu thuẫn, do đó nếu không đạt được sự hài hòa, sự phát triển theo hướng cộng sinh, sự thay đổi sẽ bị lệch sang hướng tiêu cực, phủ nhận lẫn nhau tạo ra quá trình phát triển không bền vững.
Việc lựa chọn ý tưởng cộng sinh của Kurokawa vào trong lĩnh vực KTCQ, có thể được coi là một giải pháp cho vấn đè nêu trên. Mặc dù giai đoạn đầu KTCS được thể hiện nhiều nhất qua các công trình kiến trúc của Kurokawa, vì ở đó ông đã tích hợp được các yếu tố văn hóa, lịch sử cũng như thiên nhiên vào trong các công trình của mình. Các công trình có thể thay đổi chức năng và thích nghi cùng với sự thay đổi và phát triển.
Sự phát triển của kiến trúc cộng sinh, đồng thời cũng tác động tới KTCQ theo hướng phát triển bền vững. Từ vị trí thụ động chấp thuận các giải pháp tổ chức KTCQ theo ý tưởng kiến trúc của người thiết kế, giúp hoàn thiện không gian quanh công trình có chất lượng sử dụng và thẩm mỹ tốt hơn, tới nay, đã trở thành vị thế chủ động, quyết định các đặc điểm sử dụng đất, tính chất của các chức năng cảnh quan, hình thái công trình kiến trúc… với vai trò là một bộ phận quan trọng trong tổng thể hệ thống không gian cảnh quan đô thị cũng như nông thôn.
Ngày nay, cảnh quan tự nhiên là một yếu tố có giá trị đặc biệt về thẩm mỹ, môi trường sống và đặc biệt là một phương tiện giúp con người thích ứng cũng như đối phó với những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Sự tồn tại của cảnh quan có những mối quan hệ khách quan trong hệ thống cảnh quan và cảnh quan sinh thái, bên ngoài mong muốn chủ quan của con người, do đó việc khai thác cảnh quan tự nhiên đòi hỏi một cách tiếp cận bền vững hơn, khéo léo hơn nhằm sử dụng hiệu quả các tài nguyên được thiên nhiên ban tặng. KTCQ là một mối quan hệ nhiều mặt giữa các không gian xây dựng và không gian tự nhiên, do đó việc tìm kiếm một mô hình công sinh giữa hai loại hình không gian đối lập nhau này là một vấn đề quan trọng của phát triển đô thị bền vững, đặc biệt khi các đô thị của chúng ta đang trong giai đoạn phát triển mạnh
Cảnh quan tự nhiên là một bộ phận của trái đất, những gì chúng ta quan sát thấy chỉ là mặt nổi của cảnh trí bên ngoài một môi trường sống với các quan hệ phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau của các thành phần vô sinh và hữu sinh trong cảnh quan đó. Những tác động của con người vào cảnh quan, nhằm cải tạo môi trường sống của mình, không quan tâm tới các mối quan hệ khác trong hệ thống, sẽ làm mất cân bằng hệ thống, dẫn đến những hậu quả không thể sửa chữa sau này.
Sinh thái cảnh quan là một lĩnh vực nghiên cứu của cảnh quan tự nhiên, quan tâm sâu sắc tới các mối quan hệ giữa các thành phần cảnh quan trong cấu trúc của hệ thống, do đó nó đã trở thành công cụ cho KTCQ cộng sinh, giúp các tác động phát triển của con người trở nên bền vững hơn. Sinh thái cảnh quan đặc biệt quan trọng ngay từ giai đoạn quyết định và quản lý sử dụng đất đai, kế đó là các giải pháp quy hoạch không gian KTCQ, không gian kiến trúc… theo hướng giảm thiểu các tác động xấu tới các yếu tố cấu thành cảnh quan trong hệ thống
Các nguyên tắc sinh thái cảnh quan đã được trình bày trong tác phẩm khoa học của Dramstad W.E. (author), J.D. Olson, R.T.T. Forman (1996). “Landscape Ecology Principles in Landscape Architecture and Land-use Planning.” Island Press, 1996. Trong đó rất đáng lưu ý các nguyên tắc về phân mảnh khu vực cảnh quan tự nhiên, nguyên tắc lựa chọn sự ưu tiên cho tính chất cảnh quan, bảo vệ các cảnh quan tự nhiên đặc trưng hiếm có, bảo vệ khả năng liên kết giữa các vùng cảnh quan, cân bằng nhu cầu phát triển của con người với hệ thống sinh học trong cảnh quan. Những nguyên tắc nêu trên được tôn trọng sẽ đảm bảo cho sự công sinh của không gian xây dựng với không gian tự nhiên, và đó cũng chính là KTCQ cộng sinh
KTCQ Tp Đà Nẵng nhìn từ góc độ KTCQ cộng sinh
KTCQ TP Đà Nẵng đang thay đổi nhanh chóng từng ngày sau khi những nhà đầu tư lớn, chiến lược đã có mặt tại TP biển xinh đẹp này. Sự phát triển nhanh chóng của thành phố về mọi mặt là công sức của nhà đầu tư và của lãnh đạo TP. Cảnh quan TP đang thay đổi theo hướng hiện đại, năng động và đa dạng hóa với nhiều chức năng cảnh quan mới. Nhưng nếu nhìn nhận theo các lợi ích dài hạn trong tương lai, Đà Nẵng cũng đang có những biểu hiện bất cập trong việc sử dụng tài nguyên thiếu bền vững
Trong sơ đồ định hướng phát triển không gian KTCQ của Đà Nẵng đến năm 2030, cảnh quan toàn TP được chia thành 5 vùng cảnh quan, chủ yếu dựa trên sự phát triển các khu vực chức năng, chưa chú trọng tới tính liên kết hệ thống của các thành phần cảnh quan trong các vùng cảnh quan và giữa các vùng cảnh quan với nhau thông qua sự hình thành các trục và tuyến cảnh quan, trong đó các điểm nhấn cảnh quan sẽ phải được nhìn thấy trên trục này.
Trong nhiều nghiên cứu về Đà Nẵng (các luận án Tiến sỹ, các dự án…) đều cho rằng KTCQ của Đà Nẵng phải phát triển trên cơ sở khung tự nhiên là Núi – Sông – Biển. Tuy nhiên, trên thực tế các cơ sở đó chỉ được khai thác bởi các dự án riêng biệt với các mục tiêu về lợi nhuận được đặt ra bởi các nhà đầu tư, do đó hệ thống khung này rất khó có thể giữ được nếu như không có được các giải pháp quản lý phù hợp.
Xét về phương diện xã hội, khu vực nào có khả năng sinh lợi cao, thì khu vực đó sẽ có tốc độ xây dựng nhanh và khó kiểm soát nhất, đặc biệt là tại các khu vực lõi của trung tâm, khu vực có hạ tầng đô thị phát triển và các khu vực có cảnh quan tự nhiên độc đáo.
Hình 4: Sơ đồ hệ thống khung thiên nhiên làm cơ sở cho KTCQ cộng sinh của Đà Nẵng
Trước hết, nếu chúng ta xem xét các khu vực ven biển và ven sông sẽ dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng của các không gian mở công cộng (không kể những công viên giải trí thu phí của các nhà đầu tư), Hình ảnh về KTCQ mạnh nhất tại không gian ven biển là hệ thống các khách sạn cao tầng tạo thành một bức tường lớn bao quanh phần không gian còn lại ở phía trong. Mật độ xây dựng cao dọc tuyến đang tạo nên sự tương phản đối lập giữa cảnh quan tự nhiên và nhân tạo. Sự lấn át này sẽ dần tác động xấu tới hệ thống khung tự nhiên. Để hạn chế những tác động này, tại nhiều TP ven biển đã sử dụng kiểu quy hoạch dạng túi, trong đó các công trình khách sạn riêng lẻ được tổ hợp với nhau quanh một quảng trường biển, quanh một công viên hoặc vườn hoa… điều này cho phép giảm mật độ xây dựng ven sông, ven biển, tạo ra một không gian cảnh quan chuyển tiếp giữa không gian xây dựng với cảnh quan tự nhiên. Ngoài ra sự có mặt của các không gian mở bên cạnh không gian xây dựng sẽ tạo ra các tầm nhìn kết nối các vùng cảnh quan với nhau
Hiện nay, tuyến ven biển Đà Nẵng chủ yếu mới chỉ phát triển tại khu vực quận Sơn Trà và Mỹ Khê, toàn bộ tuyến ven biển thuộc Liên Chiểu đang trong quá trình phát triển, đó cũng là cơ hội để chúng ta có các giải pháp phát triển KTCQ ven biển theo hướng bền vững hơn. Mặt khác đây cũng là trục cảnh quan ven biển với điểm nhấn là bán đảo Sơn Trà, và cũng có thể hình thành các vùng cảnh quan trũng (công viên, quảng trường, vườn hoa, phố đi bộ, tuyến đường ngang…) kết nối dãy núi phía Tây với dải bờ biển phía Đông của TP.
Về phía Tây của bờ biển Đà Nẵng là sông Hàn với đầu phía Bắc đổ ra biển tại khu vực cầu Thuận Phước và phía Nam được phân thành nhiều nhánh tại khu vực quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn. Đây là trục cảnh quan thứ 2 quan trọng của Đà Nẵng. Nhìn chung KTCQ khu vực trung tâm đã phát triển rất mạnh, hành lang bảo vệ sinh thái ven sông đã không còn. Toàn bộ khu vực đã bị kè cứng, không còn không gian chuyển tiếp giữa sông – cảnh quan tự nhiên với các công trình kiến trúc ven sông. Đoạn chân cầu Rồng sát sông cũng đang hình thành một khu ở biệt thự cao cấp, thu hẹp thêm không gian công cộng ven sông. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy luật thị trường và chắc chắn sẽ đem lại những lợi ích nhất định trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu những đoạn sông và nhánh sông còn lại cũng bị xây dựng như vậy, sẽ làm ảnh hưởng nhiều tới hệ sinh thái ven sông, góp phần làm tăng tốc độ dòng chảy của sông qua khu vực trung tâm, dẫn đến những hậu quả khó lường dưới tác động của biến đổi khí hậu. Để hạn chế những bất cập nêu trên, cần tăng cường các không gian mở sinh thái lưu vực sông gần trung tâm, hình thành các khu vực cảnh quan ngập nước, tạo ra các công viên sinh thái đa dạng kết hợp nghỉ ngơi giải trí cho người dân đô thị. Các không gian mở ngập nước khi có mưa lớn, sẽ trở thành các lưu vực chứa nước, giảm lượng nước tăng nhanh tức thời cho khu vực trung tâm đô thị, làm giảm nguy cơ ngập lụt các khu vực trong TP.
Như vậy, trục cảnh quan sông Hàn sẽ có khu vực cảnh quan ven sông giảm dần mức độ bê tông hóa từ phía Bắc xuống phía Nam. KTCQ sinh thái sẽ chiếm ưu thế ở phía đầu nguồn. Các công trình kiến trúc cao tầng , xây dựng mật độ cao có thể ở khu vực lõi, trung tâm, sau đó giảm dần mật độ xây dựng và chiều cao về phía cửa biển và về phía Nam – thượng lưu sông, hình thành các khu đô thị nén, nhằm giải phóng diện tích đất cho hệ thống sinh thái tự nhiên.
Việc hình thành các khu đô thị, cần có sự kết nối với các khu vực chức năng cũng như cảnh quan tự nhiên của toàn đô thị, tránh việc hình thành các khu đô thị khép kín, chỉ nhằm cung cấp các dịch vụ thương mại, giải trí, môi trường cho cư dân của mỗi khu đô thị. Cách làm này tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, nhưng dễ hình thành các khu đô thị trong đô thị, tồn tại cục bộ, thiếu kết nối với nhau và với đô thị, làm mất đi tính hệ thống, tính toàn vẹn của đô thị, không phát huy được hiệu quả của hệ thống các không gian mở trong đô thị, ảnh hưởng tới chất lượng KTCQ chung và chất lượng sống của cộng đồng toàn thành phố.
Hình 5 các sơ đồ phân tích các đặc trưng của nước và dòng chảy làm cơ sở cho các quyết định sử dụng đất trong phát triển KTCQ đô thị
(Dự án: Sống với nước Địa điểm: New Orleans, LA Công ty: Waggonner & Ball Năm 2008-2013)
Dọc các trục cảnh quan ven sông, ven biển là hệ thống các tuyến giao thông kết nối các khu vực chức năng của thành phố, cho phép quan sát liên tục các khu vực cảnh quan dọc tuyến, tạo sự liên hệ giữa các khu vực cảnh quan với nhau, tạo ra sự liên tưởng hình ảnh KTCQ toàn tuyến, giúp hình thành bản sắc đặc trưng của thành phố
Các liên kết ngang, được hình thành thông qua các tuyến thị giác kết nối các yếu tố tự nhiên núi – sông – biển nhờ các điểm quan sát trên cao hoặc các điểm quan sát thấp xuyên qua các vùng trũng (khu dân cư mật độ thấp, vùng ngập nước, công viên…). Từ đó cho thấy khi xây dựng các công trình, cần quan tâm tới những lợi thế do các vùng “ trũng” đem lại để hình thành các tuyến thị giác đưa hình ảnh thiên nhiên vào trong đô thị, cũng như kết nối các yếu tố tự nhiên thành một khung thiên nhiên cho Đà Nẵng.
Từ những phân tích và cơ sở lý luận về KTCS, cũng như STCQ nêu trên, cho thấy Xu hướng phát triển không gian KTCQ của Đà Nẵng có thể là những công trình kiến trúc hiện đại, những tổ hợp công trình cao tầng vươn lên mạnh mẽ trên bầu trời thành phố, nhưng cũng phải quan tâm tới sự hình thành những vùng “trũng”, những khu vực xây dựng mật độ thấp xen kẽ một cách hài hòa với không gian xây dựng. Điều này không chỉ quan trọng cho sự công sinh giữa không gian nhân tạo với tự nhiên, mà còn là sự cộng sinh bình đẵng giữa các cộng đồng dân cư trong xã hội và tạo điều kiện hình thành các khoảng không gian mở kết nối với nhau, cho phép quan sát và kết nối các thành phần cảnh quan tạo ra cảnh quan và sau đó là sự kết nối các khu vực cảnh quan, giúp hình thành cảnh quan tổng thể của thành phố mang bản sắc văn hóa, thẩm mỹ và môi trường bền vững
Kết luận
Kiến trúc cộng sinh, kiến trúc sinh thái là các cơ sở giúp hình thành KTCQ cộng sinh. Đây cũng là xu hướng của kiến trúc bền vững trong thế kỷ 21. Trong đó các thành phần cấu thành được liên kết với nhau trong một hệ thống, và cùng vận động, biến đổi theo thời gian. Và tính chất quan trọng của sự cộng sinh là khả năng biến đổi phù hợp với môi trường và các đặc điểm phát triển của từng khu vực, tạo nên trạng thái bền vững. Cho đến khi có những thay đổi mới, cả hệ thống cũng sẽ sẵn sàng biến đổi để thích nghi.
Cơ sở lý luận nêu trên, các thành phần cấu thành nên chia ra 3 loại là thành phần không thay đổi, thay đổi hạn chế và được phép thay đổi, sau đó nghiên cứu mối quan hệ cộng sinh giữa các thành phần để tạo nên hệ thống. Dựa vào các phân tích đó để đưa ra các giải pháp phát triển
Đà Nẵng là một đô thị có hệ sinh thái sông -núi-biển hình thành một khung tự nhiên cho thành phố, do đó việc tổ chức KTCQ cho Đà Nẵng nên thay đổi quan điểm cho các giải pháp KTCQ theo hướng coi các yếu tố tự nhiên là một loại tài nguyên quan trọng dành cho sự phát triển, nghĩa là chúng ta cần lựa chọn sự ưu tiên thật sự cho các yếu tố tự nhiên.
Hệ thống thiên nhiên thường được coi là viên ngọc quý, có giá trị không thể thay đổi, theo đó thì mọi hoạt động phát triển KTCQ phải mang tính tổng thể, tính hệ thống để kết quả của sự phát triển không chỉ không làm mất đi vẻ đẹp của tự nhiên mà còn làm cho vẻ đẹp đó được bộc lộ nổi bật hơn trong đặc trưng KTCQ của Đà Nẵng.